NHỮNG CỬ HÀNH THIẾU CHÍNH XÁC HAY MẮC PHẢI TRONG PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH
Tuần Thánh, là đỉnh cao của năm phụng vụ, trong đó, Tam Nhật Thánh, là trái tim của nhịp sống phụng vụ. Vì quan trọng và thánh thiêng, nên Tuần Thánh có rất nhiều bản văn, nghi thức phụng vụ, cử chỉ, biểu tượng giàu ý nghĩa và thâm thúy. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà cử hành phụng vụ Tuần Thánh, vẫn luôn là điều khiến các người cử hành phụng vụ và những ai có trách nhiệm liên quan như: ca đoàn, lễ sinh, nhạc công, cần phải lưu tâm đặc biệt. Xin liệt kê sau đây những cử hành thiếu chính xác hay mắc phải trong phụng vụ Lễ Lá, ngày khởi đầu Tuần Thánh, không phải để chỉ trích, nhưng, muốn nhắc nhở, để chúng ta cử hành đúng với Chữ Đỏ, luật phụng vụ chính thức của Giáo Hội.
I. Chúa Nhật Lễ Lá – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa
1. CÁC HÌNH THỨC NHẬP LỄ:
Phụng vụ dự trù ba hình thức nhập lễ: Phần Chữ Đỏ trong Sách Lễ Roma cho phép ba hình thức nhập lễ. Hình thứ thứ nhất là rước kiệu hay còn dịch là kiệu lá, được nói đến từ số 2 tới 11. Hình thứ thứ hai là: nghi thức nhập lễ trọng thể, được nói từ số 12 tới 15 và hình thức thứ ba là: nghi thức nhập lễ đơn giản, được nói từ số 16 tới 19.
lưu ý: Tuy nói rất rõ trong Chữ Đỏ ở số 1 rằng: “Hôm nay Hội Thánh tưởng niệm Chúa Kitô vào thành Giê ru sa lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Vì thế trong mọi thánh lễ, đều kính nhớ việc Chúa vào thành bằng việc rước kiệu đó là hình thức một, hoặc bằng nghi thức nhập lễ trọng thể trước thánh lễ chính đó là hình thức 2, hay bằng nghi thức nhập lễ đơn giản trước các thánh lễ khác đó là hình thức ba. Nghi thức nhập lễ trọng thể, có thể lặp lại trước một hoặc hai thánh lễ khác, có đông giáo dân tham dự, cuộc rước kiệu chỉ làm một lần.
Không biết do không đọc kĩ phần Chữ Đỏ quan trọng mà phụng vụ đã đưa lên đầu tiên để khái quát cho ngày lễ này hay không, mà thường các giáo xứ thực hành lại dễ bị rơi vào thực hành không chính xác là đều rước kiệu trong mọi thánh lễ, cử hành ở một nơi ngoài nhà thờ rồi tiến vào cùng với đoàn rước và giáo dân.
Như vậy, đều có thể cử hành hình thức 2 tức là giáo dân đứng trong nhà thờ hay trước cửa, chủ tế và đoàn rước sẽ tiến tới nơi làm phép lá ở ngoài cung thánh rồi từ đó tiến lên cung thánh, hay hình thức 3 tức là từ trong phòng áo tiến ra như mọi thánh lễ bình thường khác trong mọi thánh lễ, nhưng phụng vụ chỉ cho phép một lần rước kiệu lá.
2. CÁC BÀI CA TRONG PHẦN NHẬP LỄ:
Tôi đã viết về điều này trong bài viết Phần ca nhập lễ của Chúa Nhật Lễ Lá sẽ hát bao nhiêu bài?”. Ở đây, tưởng chỉ cần nhắc lại cách đại khái. Đó là trong ba hình thức nhập lễ, thì ngoại trừ hình thức nhập lễ đơn giản hay còn gọi là hình thức 3, giống như phần đầu của mọi thánh lễ khác, thì khi cử hành hình thức 1 và 2, khi vị chủ tế cùng với lễ sinh và đại diện giáo dân tiến ra nơi cử hành nghi thức làm phép lá, đọc Tin Mừng và đi rước, thì ca đoàn đều phải hát một bài hát chứ không đoàn rước nào tiến đi trong thinh lặng, như thói quen vẫn có của phụng vụ Roma, các cuộc rước khác trong Thánh Lễ cũng kèm theo các bài hát: rước Nhập Lễ với bài Ca Nhập Lễ, rước Tin Mừng với bài A lê lu ia, Tung Hô Tin Mừng, rước của lễ với bài Ca Tiến Lễ, rước hiệp lễ với bài Ca Hiệp Lễ, và kể cả rước kết lễ với bài Ca Kết Lễ. Rất nhiều nơi thinh lặng hoàn toàn cho tới khi vị chủ tế tiến tới nơi làm phép lá. Thực hành này sai, nhưng rất phổ biến. Ca đoàn có thể dự trù hát một phiên khúc của bài hát, rồi tới phần của chủ tế, rồi khi đoàn rước tiến lên thì hát tiếp câu tiếp theo, hoặc một bài khác.
3. VỊ TRÍ CỦA CHỦ TẾ KHI ĐI RƯỚC:
Khi cử hành hình thức thứ 1 và hình thức thứ 2 thì Chữ Đỏ ghi rằng: “Nếu có dùng hương, người cầm bình hương đi trước, tay cầm bình hương nghi ngút, kế đến người cầm thánh giá có gắn nhành lá, đi giữa hai người cầm nến cháy. Theo sau là linh mục và các người giúp lễ, cuối cùng là giáo dân tay cầm nhành lá.
Như vậy, có sự khác biệt về vị trí của chủ tế khi đi rước so với các cuộc rước kiệu thông thường. Trong các cuộc rước kiệu xương thánh hay tượng Chúa, tượng Thánh, giáo dân đông đảo đi trước, rồi tới xương thánh, tượng Chúa hay tượng thánh, lễ sinh và vị chủ tế đi sau. Cuộc rước kiệu Thánh Thể và cuộc rước nhập lễ thông thường trong mọi thánh lễ, vị chủ tế cũng đi cuối. Tuy nhiên, trong nghi thức nhập lễ của ngày Chúa Nhật Lễ Lá, vị chủ tế dẫn đầu đoàn rước cùng với các người giúp lễ và các thừa tác viên có chức thánh chỉ sau người cầm bình hương và thánh giá nến cao. Ngài đại diện cho Chúa Ki tô, trên tay cầm ngành lá, tiến vào thành Giê ru sa lem để đi vào mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Điều tương tự cũng xảy ra trong đêm Canh Thức Vượt Qua, khi chủ tế hoặc phó tế cầm Nến Phục Sinh đi đầu đoàn dân Chúa, cũng với ý nghĩa là hình ảnh, và đại diện của Đức Ki tô dẫn đường cho dân Chúa tiến lên.
Vậy, cần lưu ý những chi tiết có phần tinh tế này để thực hiện chính xác.
4. NHỮNG LƯU Ý KHÁC:
Vì phần nhập lễ đã là cuộc rước, trừ hình thức 3 không khác chi nghi thức nhập lễ thông thường, nên trong Chúa Nhật Lễ Lá, không có hành động thống hối, điều tương tự khi có những cuộc rước khác trong thánh lễ hôn phối hay nghi thức khác tỏ lòng sám hối, ngày Thứ Tư Lễ Tro với nghi thức xức tro, hoặc việc rảy nước thánh mà Giáo Hội khuyên làm trong thánh lễ Chúa Nhật, nhất là mùa Phục Sinh.
Chữ Đỏ số 22 đã ghi: “Khi đọc bài Thuơng Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi dấu thánh giá trên sác, vân vân. Hết bài Thương Khó, xướng rằng: Đó là Lời Chúa như thường lệ, nhưng không hôn sách. Nhiều khi không lưu tâm đủ, nên những thực hành này thi thoảng lung tung hết, không như điều Giáo Hội mong muốn, đó là tạo một sự bất thường đầy ý nghĩa trong việc thực hành, để diễn tả mầu nhiệm thông phần với đau khổ của Chúa.
II. THỨ NĂM TUẦN THÁNH – THÁNH LỄ TIỆC LY – RỬA CHÂN
1. RUNG CHUÔNG TRONG KINH VINH DANH:
Chữ Đỏ số 3 trong Thánh Lễ này hướng dẫn: “Đọc hay hát kinh Vinh Danh. Trong lúc đọc hay hát kinh này thì rung chuông. Sau đó, không rung chuông nữa cho đến đêm Vọng Phục Sinh, trừ khi Hội Đồng Giám Mục hay Đấng Thường Quyền đã quy định thể khác.”
Vì mùa Chay đã chính thức khép lại trước Kinh Chiều của ngày Thứ Năm Tuần Thánh, và Thánh Lễ Tiệc Ly, Rửa Chân, nên trái ngược hẳn bầu khí phụng vụ khắc khổ, tiết chế trong Mùa Chay. Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh này, mang bầu khí trang trọng khác thường cụ thể là bàn thờ được trang hoàng bằng hoa, vì nhắc nhớ tới Thánh Lễ đầu tiên mà vị linh mục thượng phẩm đời đời, là Đức Giê su Ki tô Chúa chúng ta, hiến dâng thân mình trong Nhà Tiệc Ly với các môn đệ của Ngài. Vì vậy, Giáo Hội sử dụng chuông trong Thánh Lễ chiều nay và cũng rung chuông cùng một thể thức như vậy trong đêm Canh Thức Vượt Qua, để cho thấy sự liên kết chặt chẽ không thể tách rời của cuộc Vượt Qua, bao gồm hai chiều kích Khổ Nạn, Thương Khó và Phục Sinh của Chúa. Ngoài ra, còn một chi tiết nữa để cho thấy Tam Nhật Thánh chỉ cử hành một mầu nhiệm duy nhất, đó là cuối Thánh Lễ hôm nay, không có phần kết thúc và giải tán vì còn tiếp nối trong giờ chầu Thánh Thể sau đó, qua ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày duy nhất trong năm phụng vụ không có Thánh Lễ mà chỉ có Nghi Thức Tưởng Niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa và vẫn còn tiếp diễn vào cuối ngày Thứ Bảy Tuần Thánh với Thánh Lễ Canh Thức Vượt Qua.
Như vậy, phải rung chuông trong kinh vinh danh, vì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không có quy định khác về điều này mà theo tập tục của phụng vụ chung Ro ma. Nhiều nơi chỉ nhớ rung chuông trong kinh vinh danh tối thứ bảy tuần thánh mà quên rung chuông trong kinh vinh danh tối thứ năm tuần thánh.
2. NGHI THỨC RỬA CHÂN, MỘT NGHI THỨC KHUYÊN NÊN LÀM:
Chữ Đỏ số 5 hướng dẫn: “Sau bài giảng, sẽ cử hành nghi thức rửa chân, nếu lý do mục vụ khuyên nên làm”. Như vậy, phụng vụ khuyên nên làm chứ không buộc làm nghi thức này. Vì thế, nếu thấy không thuận tiện trong những hoàn cảnh đặc biệt, vị chủ tế có thể cân nhắc không cử hành nghi thức này. Tuy nhiên, nếu không có gì ngăn trở, thì việc cử hành lại nghi thức này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta về giới răn yêu thương Chúa truyền lại cho chúng ta như lời di chúc quan trọng.
Chữ Đỏ quy định vị chủ tế sẽ hướng dẫn “những người đàn ông đã được tuyển chọn”. Truyền thống vẫn để cho các vị quý chức thành viên của Hội Đồng Mục Vụ hay các cụ trưởng lão đáng kính trong cộng đoàn hay giáo xứ được vinh dự này. Điều này cũng là điều tốt thôi. Tuy nhiên, coi chừng thực hành này khiến những người được chọn đâm ra hãnh diện vì mình thuộc “hàng tuyển”, hạng có máu mặt và uy tín ngời ngời trong cộng đoàn, trong khi thực tế thì chưa hẳn như vậy, và ngược lại có những người biết mình cả đời không bao giờ được chọn để vị linh mục rửa chân. Có nên luân phiên giữa các vị được tuyển chọn như “hàng tuyển” và lựa chọn những người bị coi là “hàng dạt” không? “Hàng dạt” là ai vậy? Họ là những người trẻ, những người khô khan nguội lạnh được thuyết phục thành công đến tham dự thánh lễ hôm đó, những người bị coi là lỗi hôn phối nhưng vẫn thành tâm giữ đức tin, những người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn neo đơn vân vân. Hãy nhìn các Tông Đồ xưa kia, các vị không phải là những bậc trưởng bối lão niên hay có trổi trang đạo đức giữa cộng đoàn mình. Ngược lại, nếu những vị lãnh đạo cộng đoàn quyết định luân phiên chọn giữa các vị đức cao vọng trọng lẫn những người bé nhỏ nhất trong cộng đoàn và ở bên lề cuộc đời, hãy nghĩ xem tác động lớn lao của hành vi này có thể khơi lên trong lòng cộng đoàn dân Chúa. Bởi lẽ, có những bài giảng không lời có sức tác động rất lớn.
Đức Phan xi cô, vị giáo hoàng khó đoán cũng không được lòng nhiều người trong chuyện này. Chuyện ngài không chủ tế thánh lễ Tiệc Ly long trọng tại Đền Thờ Thánh Phê rô mà nhường lại cho một vị hồng y khác, ngược lại lại đi đến những nhà dưỡng lão, bệnh viện, nhà tù và những mái ấm đã làm nhiều người khó chịu. Nhiều người kể cả hàng giáo sĩ không thể hiểu được việc làm của vị giáo hoàng luôn tìm cách vươn ra những vùng ngoại vi như ngài đã nói nhiều lần. Nhưng không dừng ở đó, bước đi cách mạng của Đức Thánh Cha Phan xi cô còn mạnh hơn nữa. Ngài đã rửa chân cho các phụ nữ, những trẻ em và người già, những tù nhân và người khuyết tật, thậm chí có người chưa phải là Ki tô hữu vào các buổi lễ Thứ Năm Tuần Thánh trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Ngày 20 tháng 12 năm 2014, Đức Thánh Cha Phan xi cô đã gửi thư cho Đức Hồng Y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, về Nghi thức Rửa chân trong Tam nhật Vượt qua. Ngài đã chính thức đưa ra quyết định thay đổi qui tắc phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo khi cho phép rửa chân cho phụ nữ cũng như nam giới, trong nghi thức phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh. Trong một lá thư giải thích động thái này, Đức Thánh Cha nói rằng ngài đã quyết định thực hiện sự thay đổi để nghi thức phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh “có thể diễn tả đầy đủ ý nghĩa hơn về cử chỉ của Chúa Giê su trong Nhà Tiệc Ly, trao ban chính bản thân của Người cho đến khi kết thúc sự cứu rỗi của thế giới, lòng nhân từ vô hạn của Người.” Trong bức thư kèm theo của mình, Đức Thánh Cha còn giải thích rằng “sau khi suy xét kỹ lưỡng, tôi đi đến quyết định thay đổi phần chữ đỏ trong sách lễ roma. từ nay trở đi, những người được các mục tử chọn rửa chân không nhất thiết phải là quý ông hoặc trẻ nam, nhưng có thể từ mọi thành phần trong dân chúa. điều cần thiết là người được chọn phải được giải thích một cách thích đáng về ý nghĩa của nghi thức”.
Quyết định của Đức Phan xi cô không phải là không bị chống đối. Nhiều người cho rằng việc rửa chân là để nhớ lại những cử chỉ mà Chúa Giê su làm trong Bữa Tiệc Ly khi Người rửa chân cho các môn đệ mình, mà tất cả họ đều là nam giới. Những người ủng hộ quy luật cũ này lập luận rằng: trong nghi thức phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, để kỷ niệm sự thành lập của thiên chức linh mục, việc lựa chọn nam giới là để nhấn mạnh vai trò của chức vị linh mục nam. Lập luận này có cơ sở, tuy nhiên, liệu Đức Giêsu có truyền lại giới răn yêu thương của Người cho những người nam thuộc hàng giáo sĩ không, hay cho tất cả chúng ta không trừ ai? Hơn nữa, thực hành này nhắm đến việc cụ thể hóa lời dạy yêu thương của Chúa, chứ không phải nhắm đến việc Chúa trao ban chức tư tế thừa tác.
Hơi dài dòng một chút, nhưng để thấy được rằng việc lựa chọn những người được rửa chân của các vị phụ trách cộng đoàn cũng nên được cân nhắc với nhiều lý do tế nhị, và cũng có thể mở ra cho việc lựa chọn cả những thành phần khác nhau trong cộng đoàn nữa, kể cả phụ nữ, bởi lẽ chính Đức Giáo Hoàng, người có thẩm quyền lớn nhất trong Giáo Hội đã cho phép và chỉnh sửa quy luật này trong Chữ Đỏ của Sách Lễ, luật phụng vụ chính thức trong cả Giáo Hội. Nếu Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không có ý kiến hay hướng dẫn riêng về việc này, thì chúng ta hiểu là các đấng đã tuân phục quyết định chung của luật phụng vụ được sửa đổi, chứ chuyện này không còn thuộc quyền hạn cho phép của vị chủ tế nữa. Dù rằng có thể nên cân nhắc nhiều lý do khác nhau, và dù chỉ là một sự mở rộng chứ không thu hẹp, một sự cho phép chứ không ép buộc, nhưng người cử hành nên giải nghĩa cho cộng đoàn dân Chúa, để hiểu về sự táo bạo này của Đức Phan xi cô, điều tương tự đã diễn ra nơi Chúa Giê su khi Người quyết rửa chân cho môn đệ, việc họ không thể nào hiểu nổi và chấp nhận vì đó vốn là việc của kẻ nô lệ và đầy tớ chứ không phải vai trò của Đức Ki tô, Thầy và Chúa chúng ta.
Một việc nhỏ có liên quan, đó là y phục của những người này cần thanh nhã và trang trọng cho xứng hợp với cử hành phụng vụ. Áo dài khăn đóng, sơ mi quần tây hay áo al ba cũng đều đẹp, nhưng xin đừng biến họ thành diễn viên đóng tuồng bằng cách cho họ mặc áo choàng, xanh, đỏ, tím, vàng, đội mũ giấy, chống gậy mủ. Nếu là hoạt cảnh ngoài phụng vụ thì muốn làm sao mặc ý, còn nghi thức phụng vụ thì cần cho trang nghiêm hẳn hoi, tránh những gì làm trò cười và gây phản cảm.
3. VIỆC DÂNG CỦA LỄ VÀ BÀI CA TIẾN LỄ:
Chữ Đỏ số 9 ghi nhận: “Bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, có thể cho giáo dân lên dâng của lễ dành cho người nghèo”. Dĩ nhiên, việc dâng của lễ là một truyền thống xa xưa đáng kính của Hội Thánh, được Công đồng Vatican 2 khôi phục lại, thực hành này có thể được cử hành trong mọi Thánh Lễ. Tuy nhiên, theo sự tìm kiếm của kẻ này, trong suốt Sách Lễ, hình như ít có chỗ nào mà phụng vụ minh nhiên khuyên nên dâng của lễ, như trường hợp thánh lễ này. Điều này có thể hiểu được bởi nhiều lý do:
Việc dâng của lễ, cụ thể hóa việc thực hành giới răn yêu thương Chúa dạy, không chỉ qua việc rửa chân mà thôi, nhưng còn qua việc tiến dâng những của lễ dành cho người nghèo, vốn là việc bác ái, bố thí, một trong ba việc đạo đức truyền thống trong suốt mùa Chay, giờ đây được cụ thể hữu hình, qua những của lễ chúng ta tiến dâng lên. Có điều trái ngược lạ lùng, là chúng ta rất chăm chỉ dâng của lễ trong những lễ quan thầy của đoàn thể và giáo họ, giáo xứ, trong khi đây là điều mà phụng vụ khuyên nên làm thì đa số chúng ta lại bỏ qua, viện cớ là lễ đã dài dòng. Thực tế, chỉ tốn thêm đôi phút, nhưng thực hành này lại vô cùng ý nghĩa.
- Sau cải cách phụng vụ của công đồng Vatican 2, Hội Thánh không còn để bản văn của ca tiến lễ trong Sách Lễ Roma nữa, vì đây là bản văn được phép thích nghi, trừ duy nhất bản văn ca tiến lễ của thánh lễ tiệc ly, rửa chân. Và nội dung của bản văn này là bản thánh thi cổ xưa Ubi Ca ri tas mà nhiều tác giả thánh nhạc đã dệt nhạc rất hay, chẳng hạn như Đâu có tình yêu thương của nhạc sĩ Vinh Hạnh, Ở đâu có bác ái của nhạc sĩ Hoàng Kim, Ở đâu của nhạc sĩ Trần Anh Linh hay lấy ý từ đó như Nguồn sống yêu thương của nhạc sĩ Nguyễn Duy, vân vân. Kẻ này cũng mạo muội dệt bản văn này trong bài Anh em họp đoàn. Rất nhiều nơi, cả ca đoàn, cộng đoàn lẫn vị chủ tế đều ngạc nhiên khi những người soạn bài đúng đắn và có hiểu biết về phụng vụ chọn những bài này để làm ca tiến lễ của Thánh Lễ này, bởi tâm thức ca tiến lễ phải có dâng bánh rượu, và vì vậy, cho rằng chọn bài như vậy là sai! Chúng ta cần biết rằng nội dung của ca tiến lễ, không nhất thiết phải nói tới việc dâng bánh rượu, dâng lao công trong cuộc sống. Nhưng có thể chỉ nói cách chung, là tâm tình ngợi khen Chúa, tình bác ái, hiệp nhất, chủ đề thánh lễ hay mùa phụng vụ. Vì vậy, nếu ca đoàn hát một bài có nội dung khác với bản văn này cũng không có gì sai. tuy nhiên, việc đây là bản văn duy nhất của ca tiến lễ mà giáo hội còn để lại trong sách lễ roma cho thấy ý hướng khá rõ của giáo hội muốn chúng ta hát những gì trong phần tiến lễ của thánh lễ này.
4. CUỘC RƯỚC KIỆU THÁNH THỂ:
Như đã nói trong phần Chúa Nhật Lễ Lá, vị tư tế rước kiệu Thánh Thể sẽ đi cuối đoàn rước. Chữ Đỏ số 16 hướng dẫn rằng: “Cuộc rước kiệu tiến hành như sau: đi đầu là người cầm thánh giá, tiếp đến là linh mục mang Mình Thánh Chúa, cùng với các người cầm đèn, nến, bình hương, kiệu dọc nhà thờ đến bàn thờ phụ đã được trang hoàng xứng đáng” Dù không minh nhiên nói đến đoàn rước có các Tông Đồ như truyền thống vẫn thi hành ở nhiều giáo xứ, kẻ viết bài này quan sát các thực hành tương tự của Tòa Thánh, và thấy đoàn rước gồm các hồng y, giám mục cũng đều cầm nến và đi trước vị chủ tế rước kiệu Mình Thánh.
Trong bài viết “Ủy Ban Phụng Tự lưu ý khi cử hành nhiều lần Nghi thức Tam nhật Vượt Qua tại một nhà thờ”, lưu ý rằng “Việc kiệu, và chầu Mình Thánh Chúa, chỉ nên thực hiện sau Thánh lễ cử hành lần thứ hai”, nghĩa là nếu cử hành hai thánh lễ Tiệc Ly, thì việc kiệu và chầu Mình Thánh Chúa chỉ nên thực hiện sau thánh lễ sau.
5. NHÀ TẠM PHỤ:
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma không nói Nhà Tạm phụ này được đặt ở đâu, có lẽ vì tôn trọng cấu trúc riêng của mỗi nhà thờ. Mặc dù không nói trực tiếp về “nhà tạm phụ”, nhưng vì Thánh lễ không được cử hành Thánh lễ sau Thánh lễ Tiệc Ly cho đến Lễ Vọng Phục Sinh, bàn thờ chính không được sử dụng và Mình Thánh Chúa không được đặt trong Nhà Tạm thông thường, rất thường được đặt trong cung thánh, mà phải rước đến một Nhà Tạm phụ, nên cần phải hiểu là một nơi khác biệt ngoài cung thánh. Rõ hơn, Tông Huấn về việc cử hành Tuần Thánh Paschalis Sollemnitatis, ban hành bởi Bộ Phụng Tự năm 1988 nói ở số 55: "Mình Thánh Chúa được rước qua nhà thờ và đặt tại một nơi tạm, được chuẩn bị trong một nhà nguyện, hoặc khu vực của nhà thờ được trang trí thích hợp, nhưng không phải là nhà tạm nơi thường xuyên lưu giữ Mình Thánh." Ngoài ra: Sách Nghi Lễ của Giám Mục Ceremonial of Bishops ở số ba trăm mười một đến ba trăm mười bốn cũng nói rõ về việc nhà tạm chính phải bỏ trống sau Thánh lễ Tiệc Ly, và Mình Thánh được đặt tại nơi chầu riêng.
Như vậy, nhiều tài liệu cho thấy Nhà Tạm phụ cần nằm ngoài cung thánh. tuy nhiên nhiều giáo xứ vẫn trang trí nhà tạm phụ nằm ngay trên cung thánh. Điều này không chính xác.
6. TANTUM ERGO:
Trong Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, việc hát thánh thi "Tan tum ergo" cuối cuộc rước Mình Thánh Chúa sang nơi đặt Mình Thánh là một truyền thống lâu đời, nhằm tôn vinh và thờ lạy Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thi này là hai khổ thơ cuối cùng của một thánh thi dài hơn tên là Pange Lingua, với lời thơ được cho là của thánh Toma A qui nô, linh mục tiến sĩ Hội Thánh. Có thể hát thánh thi Pange Lingua hoặc chọn một bài khác thích hợp, nhưng không bao giờ được bỏ hai khổ thơ cuối đó là Tantum ergo, vốn sẽ được định liệu để cất lên khi linh mục đặt Thánh Thể vào Nhà Tạm phụ. Điều này được quy định trong các văn kiện phụng vụ. Nghĩa là khi đi rước kiệu thánh thể, ca đoàn có thể hát những bài về thánh thể, nhưng khi linh mục đến nhà tạm phụ thì phải hát tantum ergo. Có nhiều bản dịch bài Tantum ergo đã được dệt nhạc, các ca đoàn có thể chọn lựa để hát. Tuy nhiên, sự chính xác trong những lời dịch này còn tồn đọng nhiều vấn đề nếu so với bản văn la tinh.
Ngoài ra, "Thông báo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về vấn đề phụng tự" trích trong tạp chí SACERDOS, số 97, 98, trang 23, xuất bản tháng 1 và tháng 2 năm 1970, mục số 14 quy định rằng trong khi Ủy ban Thánh Nhạc chưa xuất bản các bài hát thay thế "Tantum ergo", các giáo phận có thể sử dụng những bài hát có tính cách thờ lạy sau đây thay thế:
1. Thờ lạy của nhạc sĩ Thiện Cẩm.
2. Đền tạ Thánh Thể của nhạc sĩ Hoài Chiên.
3. Con muốn chúc mừng nhạc Kim Long, lời Hoàng Khánh.
4. Con quỳ gối của nhạc sĩ Tâm Bảo.
5. Thờ lạy Chúa của nhạc sĩ Hoài Đức.
6. Lòng Chúa ái tuất của nhạc sĩ Nguyễn Bang Hanh.
7. Trước Thánh Thể của nhạc sĩ Thăng Ca.
Những bài hát này được phép sử dụng thay thế "Tantum ergo" cho đến khi có thông cáo mới từ Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tuy nhiên, vì là một thánh thi cố định và lâu đời trong phụng vụ, rất nên ưu tiên hát Tantum ergo bằng tiếng latin nếu có thể, hoặc các bản dịch bài Tantum ergo được dệt nhạc của các nhạc sĩ Công Giáo.
7. TỪ NỬA ĐÊM TRỞ ĐI…
Chữ Đỏ số 21 lưu ý: “Khuyên giáo dân, nên tùy hoàn cảnh đến chầu Mình Thánh Chúa ban đêm, vào giờ thuận tiện, nhưng nửa đêm trở đi, không được tổ chức chầu Mình Thánh Chúa trọng thể nữa”. Như vậy, Giáo Hội có ý tách biệt hai khoảng thời gian khác nhau, dù cùng một thực hành là việc chầu Thánh Thể. Nhiều nơi, không phân biệt ngày đêm, vẫn cứ chầu Thánh Thể với hàng loạt suy niệm, bài hát, kinh nguyện. Thực tế là trước nửa đêm, việc chiêm ngắm và chầu kính Thánh Thể có thể được cử hành với những suy niệm, bài hát và kinh nguyện. Nhưng từ nửa đêm trở đi, việc chiêm ngắm và chầu kính Thánh Thể diễn ra hoàn toàn trong thinh lặng.
PHẦN III: THỨ SÁU TUẦN THÁNH
NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
I. NHỮNG LƯU Ý CÁCH CHUNG:
Chữ Đỏ số 2 lưu ý: Bàn thờ hoàn toàn để trống: không thánh giá, không chân đèn, không trải khăn. Đôi khi vì thói quen, một số giáo xứ vẫn để đèn bàn thờ, thậm chí còn trải khăn bàn thờ sẵn ngay từ đầu nghi thức. Khi phụng vụ quy định điều gì, hẳn là đều có ý nghĩa. Vì bàn thờ tượng trưng cho Chúa Ki tô, nên việc bàn thờ trơ trọi không đèn nến, không thánh giá, không trải khăn cho thấy một Đức Ki tô vì “yêu đến cùng” (Gio an chương 13 câu 1) sẵn lòng hy sinh và bị tước đoạt hoàn toàn mọi thứ, chỉ còn lại chính bản thân Người trao hiến cho chúng ta.
Thời gian cử hành: Chữ Đỏ số 3 khuyên: “Khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, trừ khi lý do mục vụ khuyên nên làm muộn hơn”. Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị, Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh năm 1988 ở số 63 còn nói rõ hơn: “Nếu lý do mục vụ đòi hỏi, thì có thể cử hành vào giờ thuận tiện để quy tụ giáo dân dễ dàng hơn, ví dụ, sau 12 giờ trưa hay vào ban tối song, đừng trễ hơn 9 giờ đêm”. Chính Thư Luân Lưu này trước đó ở số 2 cũng nói: “Điều này cũng diễn ra đối với các cử hành vào Tam Nhật Thánh. Cử hành không đúng giờ! Việc này được lý giải là các cử hành được tổ chức sao cho thuận tiện thời giờ và sự tham dự của tín hữu hơn là các cử hành thuộc về phụng vụ”. Ở các cộng đoàn cố định như dòng tu, hay chủng viện, thường làm đúng 3 giờ. Còn ở các giáo xứ, vì nhiều người vẫn phải đi làm nên có lý do thích đáng để chuyển giờ cử hành trễ hơn, để người ta có thể tham dự đông đủ hơn. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam đã được đặc ân của Tòa Thánh để tổ chức nhiều lần các cử hành trong Tam Nhật Thánh, phải chăng vì thế nên tổng hợp lại, ta cử hành một nghi thức vào đúng 3 giờ chiều, còn những cử hành khác có thể trễ hơn, để vừa tuân thủ lời khuyên của Tòa Thánh, vừa thích ứng với nhu cầu mục vụ? Ngược lại, có những nơi làm quá trễ, chẳng hạn 9 giờ đêm mới bắt đầu nghi thức, hốt hụi chót!. Dù hiểu là có thể dời cử hành lại vì nhu cầu mục vụ, nhưng đến 9 giờ đêm mới cử hành, thời điểm cuối ngày ăn chay kiêng thịt với công việc bừa bộn, cộng thêm nghi thức dài, rồi tiếp theo hàng loạt những việc đạo đức bình dân như tháo đinh, táng xác, dâng hạt, liệu rằng cộng đoàn còn sốt sắng và tỉnh táo để tham dự trong bầu khí cầu nguyện những cử hành cuộc Thương Khó Chúa, bằng dời sớm hơn một chút chăng? Có nhiều nơi còn làm ngược đời khi cử hành nghi thức thứ sáu Tuần Thánh vào đêm khuya, nhưng đêm Canh Thức Vượt Qua lại làm lúc chập tối khoảng 7 giờ 30, như vậy, xem ra là trái ngược với bản chất của cử hành.
Các giờ kinh phụng vụ và việc ngắm nguyện: Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh năm 1988 số 40 cũng khuyên rằng: “Giáo Hội khuyến khích việc cử hành chung Giờ Kinh Sách và Kinh Sáng vào Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh. Rất là ý nghĩa khi Giám mục cử hành các Giờ Kinh Phụng vụ ở nhà thờ chính toà, có sự tham dự của giáo sĩ và giáo dân. Ở các giáo xứ, thường tổ chức ngắm đèn hay các hình thức ngắm nguyện khác, giúp giáo dân chiêm ngắm các sự Thương Khó Chúa. Điều này rất tốt và rất đáng duy trì, nhưng dù sao, đó cũng là việc đạo đức bình dân. Đúng hơn, nên cử hành các giờ kinh phụng vụ như Giáo Hội dạy, và kèm theo đó, là bổ sung các hình thức ngắm nguyện nêu trên, chứ không chỉ có ngắm nguyện duy nhất mà thôi.
2. BÀI THƯƠNG KHÓ:
Bài Thương Khó có một vị trí đặc biệt trong cử hành Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh. Tuy dài dòng, mệt mỏi vì đứng lâu, nhưng đó cũng là dịp để chúng ta thông phần với những đau khổ của Chúa để đền tội mình và nhân loại. Được chia thành ba vai, và sự cộng tác của cộng đoàn, bài Thương Khó khắc họa những đau khổ và cái chết của Chúa. Tuy nhiên, không được phép diễn kịch vào lúc này, dù nội dung là hoạt cảnh cuộc Thương Khó, như cha Namara đã có lần trả lời rõ ràng về vấn đề này. Một thực hành khác cũng sai, là đi đàng thánh giá thay cho việc tuyên đọc Bài Thương Khó, vốn là sự lầm lẫn không phân biệt được việc đạo đức bình dân và cử hành phụng vụ.
3. NHỮNG BÀI THÁNH CA
Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh năm 1988 ở số 42 nói rằng: “Các bài thánh ca cho cộng đoàn, cho các thừa tác viên và chính linh mục chủ tế, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc cử hành Tuần Thánh, và cách riêng trong Tam Nhật Thánh ; bởi vì chúng tăng thêm phần long trọng cho những ngày đặc biệt này, đồng thời, cũng vì các bản văn phụng vụ được hát, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.” Cũng Thư luân lưu ấy ở số 28 khi nói về Chúa Nhật Lễ Lá đã viết rằng: “Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa nhật Lễ Lá. Sự kiện này, nối kết lời tiên báo về cuộc khải hoàn vinh thắng của Vua Giê su Ki tô và cuộc thương khó của Người. Sự liên kết hai khía cạnh này trong mầu nhiệm Vượt Qua, nên được trình bày và giải thích trong khi cử hành nghi lễ và giảng dạy giáo lý”. Vì Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh cùng được ghi chung một tiêu đề là Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa, nên những gì được viết cho Chúa Nhật Lễ Lá cũng có thể hiểu cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Các bản văn phụng vụ trong cả thánh Lễ Lá và nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, đều minh chứng chiều kích ý nghĩa kép này.
Cụ thể, với cả Chúa Nhật Lễ Lá lẫn Thứ Sáu Tuần Thánh, các nhạc sĩ và ca đoàn với tâm tình đạo đức xưa, nay, toàn sẽ sáng tác và tập hát toàn là những bài than van, khóc lóc, u sầu, thảm thiết. Điều này không sai, nhưng mới chỉ là một ý nghĩa của những cử hành này. Nếu đọc các bản văn phụng vụ của tuần thánh, chúng ta sẽ thấy cả hai tâm tình song đôi: ngoài than van, u sầu, khóc lóc, thảm thiết còn là tâm tình chiến thắng, hy vọng, ca ngợi, khải hoàn. Nghe có vẻ lạ, nhưng thật sự đó là điều mà chính Giáo Hội mong muốn qua các bài thánh ca phụng vụ. Nghĩa là, khi chọn bài hát, nên chọn cả những bài “buồn sầu” lẫn những bài “hùng tráng”. Nghịch lý khủng khiếp nằm ở chỗ này: Khi bị đóng đinh trên thập giá, đỉnh điểm của đau khổ và cái chết, lại là lúc mà Chúa chúng ta chiến thắng tội lỗi, ma quỷ và sự chết muôn đời để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Không chỉ Chúa Nhật Lễ Lá, mà Thứ Sáu Tuần Thánh nữa cũng vậy. Não trạng cũ đã quá quen, nếu nhạc sĩ nào mà sáng tác các tác phẩm như vậy, nếu ca đoàn nào mà dám tập hát như vậy chắc sẽ dễ bị “ném đá” không thương tiếc vì sáng tác kì lạ, chọn bài kì cục. Ví dụ, có người thấy rất lạ lẫm khi các nhạc sĩ dệt nhạc cho lời ca: “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, mừng hát Chúa sống lại hiển vinh…” mà không biết rằng đó chính là lời của bản văn phụng vụ hát lên trong khi kính thờ thánh giá. Họ hỏi rằng mới thứ sáu Tuần Thánh, Chúa đang đau đớn chết đi mà lại hát về phục sinh là sao! Thực tế là người ta ít để ý rằng mầu nhiệm Vượt Qua bao gồm cả hai chiều: tử nạn và sống lại, thương khó và vinh quang, khổ nạn và hân hoan, bi thương và hùng tráng. Chính vì vậy, việc huấn giáo là rất quan trọng để dân chúng càng hiểu hơn về những mầu nhiệm khó khăn này, thay vì để họ với suy nghĩ tách biệt rạch ròi xưa nay. Những điều này không chỉ cần thiết cho các nhạc sĩ cần áp dụng, các ca đoàn cần lưu tâm, mà các ban thánh nhạc của giáo phận khi giới thiệu các bài hát của các cử hành Tuần Thánh và các vị cử hành cũng cần lưu ý điểm này nữa, để giảng dạy, để khỏi la rầy ca đoàn oan uổng khi họ chọn bài đúng phụng vụ. Nên xen kẽ chọn các bài hát có cả hai chiều kích và chuẩn mực với phụng vụ nhất có thể chứ không phải chỉ là làm theo đa số như truyền thống xưa nay.
4. VIỆC SUY TÔN THÁNH GIÁ
Sách Lễ trù liệu hai hình thức để kính thờ thánh giá. Hình thức thứ nhất là thánh giá đã được phủ khan, được đem ra bàn thờ và vị linh mục từ từ mở khăn ra ba lần, trong khi hát câu mời gọi cộng đoàn thờ lạy. Hình thức thứ hai là thánh giá không phủ khan, và dừng lại ba lần với việc nâng cao thánh giá, người cầm thánh giá nâng cao, hát câu kêu mời cộng đoàn thờ lạy. Có những nơi đem thánh giá từ trong phòng áo ra bàn thờ mà không phủ khăn, hoặc ngược lại, vị linh mục xuống cuối nhà thờ nhận thánh giá được phủ khăn rồi từ từ mở ra. Cả hai thực hành này đều không chính xác.
Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh năm 1988 ở số 70 căn dặn: “Chỉ dùng một Thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ, nhằm diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng của nghi thức”. Nhiều nơi vì để tiện lợi cho việc hôn kính vì quá đông giáo dân, nên sử dụng cả thánh giá lớn cho nghi thức chung, tới lúc hôn kính, lại cho cả chục thừa tác viên, mỗi người cầm một thánh giá nhỏ chia thành từng tốp như khi rước lễ để cộng đoàn hôn kính. Thực hành này cũng không chính xác. Chữ Đỏ số 19 trong Sách Lễ chỉ dẫn rất rõ: “Chỉ dùng một thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ. Nếu vì số dân chúng đông, mỗi người không thể lên kính thờ thánh giá được, thì sau khi một phần tín hữu đã thờ, linh mục cầm thánh giá lên đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời dân chúng kính thờ thánh giá, rồi nâng cao thánh giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ”.
Chữ Đỏ số 20 căn dặn: “Nghi thức kính thờ chấm dứt, mang thánh giá đặt vào chỗ của thánh giá tại bàn thờ. Còn các nến cháy đặt chung quanh bàn thờ hay đặt gần thánh giá”. Có một số nơi, sau khi hôn kính thánh giá, lại đem thánh giá đi vào phòng thánh và cất đi. Thực hành này không chính xác. Thánh Giá được đặt trên bàn thờ hoặc gần bên bàn thờ, trong khi thánh giá lớn nhất trong nhà thờ như thường thấy, lúc này vẫn đang được phủ khan, cùng với các cây nến cháy. Thánh Giá này được đặt trên bàn thờ hay gần bàn thờ không chỉ trong nghi thức này, nhưng bao lâu thánh giá lớn nhất trong nhà thờ vẫn còn bị che phủ nữa, vì có nhà thờ sau khi gỡ khăn phủ thánh giá đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, lại thay bằng hình ảnh Chúa phục sinh, nên việc cần phải có một thánh giá ở trên bàn thờ hay gần bàn thờ để dâng lễ luôn là điều phụng vụ đòi buộc. Có nơi khác sau nghi thức và sau việc ngắm nguyện như tháo đinh, táng xác, dâng hạt, thì cất luôn thánh giá này, mà thay vào đó là tượng Chúa để trong hòm. Đây cũng là một thực hành sai. Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh năm 1988 ở số 71 nói: “Kết thúc buổi cử hành, lột khăn bàn thờ; Thánh giá vẫn để lại và có thêm 4 cây nến cháy sáng. Đặt thánh giá Chúa làm sao để tín hữu có thể kính thờ, hôn thánh giá, và ở lại suy niệm một ít lâu. Việc tôn kính này có thể diễn ra ở trong nhà thờ hay ở nhà nguyện đã dùng vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh cho việc lưu giữ Thánh Thể”. Trọng tâm của cử hành là việc kính thờ thánh giá chúa, chứ không phải là Chúa nằm trong hòm, dù là hòm gỗ quý, trang hoàng tráng lệ, đèn sáng hoa thơm và được rước đi khắp nơi đi nữa. Thiết tưởng, đối với thực hành khá phổ biến hiện nay của các giáo xứ là để tượng Chúa trong hòm kính thì vốn cũng không trái nghịch gì với lòng đạo đức của các tín hữu, nhưng không thể cất đi thánh giá đặt trên hay gần bàn thờ. Và nếu giáo xứ nào không có tượng Chúa nằm trong hòm, mà chỉ có thánh giá trên hay gần bàn thờ thì cũng không phải băn khoăn lo nghĩ rằng mình đã làm sai. Một chuyện khác nữa, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 274 quy định: “Bái gối là bái đầu gối bên phải sát đất, biểu lộ sự thờ lạy, vì thế, cử chỉ này được dành để tôn kính phép Thánh Thể và Thánh giá kể từ khi nghi thức tôn thờ trọng thể trong phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh, cho đến lúc khởi đầu Canh thức Vượt Qua”. Ở Việt Nam, Hội đồng giám mục cho phép cúi mình thay bái gối. Một lần nữa, chúng ta thấy, thánh giá Chúa mới là đối tượng Giáo Hội dạy chúng ta suy tôn và kính thờ từ nghi thức này đến thánh lễ đêm Thứ Bảy Tuần Thánh. Nếu có hôn, thực tế, đúng nhất thì là hôn thánh giá. Còn nếu để tượng Chúa trong hòm, thì cũng không được cất thánh giá đi để lại tượng Chúa mà thôi. Tuy nhiên, vẫn sẽ tạo cảm giác kì kì, vì có hai “Chúa” một Chúa trong hòm, một Chúa bị treo.
Dù có nhiều điều phải cử hành trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, như nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Khổ Nạn Chúa và các việc đạo đức bình dân như ngắm nguyện, nhưng ngoài ra, còn có một việc đạo đức bình dân nữa được khuyến khích, đó là đi đàng thánh giá, như Thư Luân Lưu nói ở số 72. Một số giáo xứ không đi chặng đàng thánh giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, vì ngày hôm đó quá vất vả mà lại vừa phải giữ chay kiêng thịt, trong khi Thứ Bảy Tuần Thánh thì “ở không suốt ngày”, nên tổ chức đi chặng đàng thánh giá vào Thứ Bảy Tuần Thánh. Tuy nhiên, Chữ Đỏ của Sách Lễ hướng dẫn Thứ Bảy Tuần Thánh nói gì? Hội Thánh dạy rằng: “Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm cuộc Thương Khó và sự chết của Người” Như vậy, “ở không” là đúng, vì “ở không” là để suy niệm, để thinh lặng, để cầu nguyện, để hiệp thông, để chờ đợi, mọi thứ chuẩn bị cho lễ Phục Sinh cũng cần tiết chế âm thanh, cười giỡn, để tôn trọng bầu khí thinh lặng trầm mặc ấy, chứ Hội Thánh lại không khuyến khích chúng ta đi đàng thánh giá, dù cũng không hề cấm cản chúng ta làm điều ấy. Không đi đàng thánh giá vào Thứ Sáu mà lại vào Thứ Bảy, khi “mọi sự đã hoàn tất” và Chúa thì đã chết, không phải là điều ngộ nghĩnh lắm sao? Nếu muốn suy niệm, thiết tưởng nên suy niệm về bảy sự thương khó Đức Mẹ như Hội Thánh đã dạy phải làm. Tóm lại: Không bắt buộc và không bị cấm đi Đàng Thánh Giá Thứ Bảy Tuần Thánh. Tuy nhiên, theo truyền thống phụng vụ, Giáo hội khuyến khích giữ bầu khí trầm lắng, chiêm niệm, sống tâm tình đau thương và chờ đợi sự phục sinh, hơn là tiếp tục đi Đàng Thánh Giá như trong các ngày trước đó. Nếu cộng đoàn hay cá nhân thấy việc đi Đàng Thánh Giá mang lại ích lợi thiêng liêng, thì có thể thực hiện, nhưng nên trong tinh thần thinh lặng, không tổ chức trọng thể. Đàng Thánh Giá tốt nhất vẫn được cử hành vào Thứ Sáu Tuần Thánh.
PHẦN IV: ĐÊM THỨ BẢY TUẦN THÁNH - CANH THỨC VƯỢT QUA
1. LỄ VỌNG PHỤC SINH HAY CANH THỨC VƯỢT QUA?
Cả hai cụm từ lễ vọng phục sinh, easter vigil và canh thức vượt qua, paschal vigil đều được sử dụng, nhưng có một chút khác biệt về sắc thái và hoàn cảnh sử dụng: Lễ Vọng Phục Sinh là cách gọi phổ thông. Nó nhấn mạnh đến đêm chờ đợi, vọng, và canh thức mừng Chúa Giêsu Phục Sinh, diễn ra vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh. Canh Thức Vượt Qua, là cách gọi mang màu sắc phụng vụ truyền thống hơn, với chữ “Vượt Qua” xuất phát từ chữ “Pascha”, tiếng La tinh và Hy Lạp chỉ Lễ Vượt Qua. Từ này thường được thấy nhiều hơn trong văn bản phụng vụ truyền thống hoặc trong ngữ cảnh học thuật, thần học. Trong tiếng La tinh, Sách Lễ Ro ma ghi là “Vigilia Paschalis” – nghĩa là “Canh thức Vượt Qua” dù chúng ta vẫn gọi dễ hiểu là “Lễ Vọng Phục Sinh”.
2. THỜI GIAN CỬ HÀNH:
Chữ Đỏ số 3 quy định: “tất cả cử hành canh thức vượt qua được cử hành về đêm, nên phải bắt đầu lúc chập tối; và phải kết thúc trước rạng đông ngày chúa nhật”. Thư Luân Lưu số 2 thì viết: “Ở một số vùng vốn đã nhiệt thành khởi sự việc khôi phục cử hành Đêm Canh Thức Phục Sinh, thì giờ đây, cùng với thời gian, tinh thần ấy đang có dấu hiệu đi xuống. Ý thức về Đêm Canh Thức hầu như bị lãng quên ở một số nơi, nên đã dẫn đến việc cử hành Đêm Canh Thức như là một Lễ Chiều hôm trước lễ chính ngày, diễn ra cùng một cách thức và cùng thời điểm như là cử hành Thánh Lễ chiều Thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật. Điều này cũng diễn ra đối với các cử hành vào Tam Nhật Thánh. Cử hành không đúng giờ! Việc này được lý giải là các cử hành được tổ chức sao cho thuận tiện thời giờ và sự tham dự của tín hữu, hơn là các cử hành thuộc về phụng vụ”. Nên dù có thể cân nhắc nhiều về phương diện mục vụ, tuy nhiên, Thánh Lễ Canh Thức Vượt Qua vẫn nên cử hành vào lúc chập tối, tức là khoảng 6h chiều hay 7h tối đổ đi chứ đừng sớm quá, vì làm giảm thiểu ý nghĩa chữ Canh Thức - vigil của cử hành.
3. NẾN PHỤC SINH:
Trong bài viết “Ủy ban Phụng tự lưu ý, khi cử hành nhiều lần nghi thức Tam nhật Vượt Qua tại một nhà thờ”, có ghi chú về phần Phụng Vụ Ánh Sáng và nến Phục Sinh như sau: a nhỏ: Trong cử hành lần thứ nhất: giữ toàn bộ các nghi thức từ số 7- tới 19 như thường lệ. b nhỏ: Trong cử hành lần thứ hai: Nếu có một cây nến mới, sẽ sử dụng trong mùa Phục sinh cho một nhà thờ hay nhà nguyện không cử hành Đêm Canh Thức, thì cũng có thể thực hiện đầy đủ theo các số từ 7 tới 19. Nếu nến Phục sinh đã được chuẩn bị và làm phép trong cử hành thứ nhất thì bỏ qua các số 10 đến 12, nghĩa là thắp sáng và kiệu nến Phục sinh ngay sau khi làm phép lửa như ở số 9. Nghĩa là nếu cử hành hai thánh lễ thì mỗi lễ làm phép một cây Nến Phục Sinh cho 2 nơi, còn trong trường hợp chỉ có một cây nến Phục Sinh, thì “thắp sáng và kiệu nến Phục Sinh ngay sau khi làm phép lửa…”, chứ không phải cùng một cây nến Phục Sinh mà làm phép nhiều lần. Trong trường hợp cần sử dụng nhiều hơn hai cây nến Phục Sinh, “Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc hội đồng giám mục Hoa Kỳ đề nghị trong bản “Mười tám câu hỏi về Tam Nhật Vượt Qua có hướng dẫn cụ thể về điều này: “Trong các giáo xứ truyền giáo, hoặc giáo điểm, có thể sử dụng nến vượt qua để thắp sáng không? Không dự trù tình hình mục vụ tại các giáo xứ truyền giáo hoặc các giáo điểm, sách lễ Rô ma hướng dẫn chỉ sử dụng một cây nến vượt qua. Nhằm thích ứng những hoàn cảnh cụ thể, Thư Ký Ủy Ban Phụng Tự có thể đề nghị nhiều nến cho các giáo xứ truyền giáo, hay các giáo xứ khác có thể chuẩn bị để làm phép cùng với cây nến chính. Phó Tế hay thừa tác viên đại diện có thể cầm nến. Theo luật chữ đỏ, chỉ một cây nến thắp sáng và kiệu đi, nến chính hoặc nến sử dụng cho nhà thờ đó. Như các ngọn nến khác trong cộng đoàn được thắp sáng, những ngọn nến vượt qua khác có thể được thắp sáng và để tại chỗ trong cộng đoàn, nhưng không được cao, để làm nổi bật ngọn nến chính. Tất cả các ngọn nến được thổi tắt sau khi hát công bố tin mừng phục sinh, các ngọn nến vượt qua đặt bên cạnh. Vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, những ngọn nến này có thể được đưa đến các điểm truyền giáo và cử hành, thắp sáng và đoàn rước trong Thánh lễ đầu tiên tại mỗi giáo xứ và đặt tại gian cung thánh”. Cha Namara có trích dẫn văn bản trên nhưng cũng lưu ý rằng: “Như tài liệu nhắc nhở chúng ta, sách phụng vụ và hướng dẫn chỉ cho phép chuẩn bị một cây nến vượt qua để cử hành”. Trong mùa Phục Sinh, nến Phục Sinh được đặt gần bàn thờ hoặc giảng đài, ngoài mùa Phục sinh, không được đặt và đốt nến phục sinh trên cung thánh, chỉ dùng khi ban bí tích rửa tội và khi cử hành lễ an táng, chứ không được đặt nến này trên cung thánh và đốt nến này quanh năm.
4. NẾN CỦA VỊ CHỦ TẾ:
Ngoài ra, tài liệu này còn chú thích một lưu ý ngay sau đó: “Trong cả hai trường hợp nêu trên, theo Nghi thức của Sách lễ Rô ma năm 2002, linh mục chủ sự thắp sáng nến của mình từ lửa nến Phục Sinh ngay sau lời tung hô “Ánh sáng Chúa Kitô” và lời đáp của cộng đoàn “Tạ ơn Chúa” lần thứ nhất”. Chữ Đỏ số 14 thì viết: “Phó tế hoặc chính linh mục cầm nến Phục Sinh, nâng cao và hát một mình: Ánh sáng Chúa Kitô”. Như vậy, có thể thấy những trường hợp khác nhau có thể xảy ra: 1. Nếu có phó tế hay nếu không, cũng có thể một thừa tác viên như trong thực tế vẫn thấy, cầm nến Phục Sinh giúp vị linh mục chủ tế, thì vị chủ tế phải có nến riêng của mình, được thắp sáng từ lửa của nến phục sinh sau lần hát thứ nhất, chứ không phải vị chủ tế đi một mình như nhiều nơi vẫn thực hành. 2. Nếu không có phó tế hay thừa tác viên, mà chính vị chủ tế cầm nến Phục Sinh, thì dĩ nhiên, vị chủ tế không thể cầm nến riêng của mình được, vì thường nến Phục Sinh khá lớn và nặng.
5. XÔNG HƯƠNG NẾN PHỤC SINH:
Trước khi hát Công Bố Tin Mừng Phục Sinh, phó tế hay linh mục xông hương sách, và cả Nến Phục Sinh. đêm canh thức vượt qua nhiều nghi thức có thể khiến người cử hành quên việc xông hương nến phục sinh mà chỉ xông hương sách như khi đọc tin mừng trong thánh lễ. Ngoài ra, cha Namara cũng nhắc nhở trong bài viết đã dẫn trên rằng: “Tuy vậy, thật là thích hợp khi xông hương nến Phục Sinh bên cạnh bàn thờ ngay đầu Thánh Lễ”. Như vậy, đây là một lựa chọn tùy ý không buộc và nếu thực hiện thì chỉ ở nghi thức xông hương đầu thánh lễ chứ không ở một thời điểm nào khác.
6. VIỆC ĐỆM ĐÀN:
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Ro ma ấn bản mẫu lần ba, phiên bản năm 2000 quy định ở số 313: “Trong Mùa Chay, tiếng phong cầm và các nhạc cụ khác chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật bốn Mùa Chay, lễ trọng và lễ kính”. Trong Tam Nhật Thánh, hiện người viết bài chưa tìm thấy những văn bản hướng dẫn cụ thể về các nhạc cụ. Tuy nhiên, trong thực hành, một số nơi vẫn còn giữ thói quen khá nghiêm ngặt về các nhạc cụ, chẳng hạn tiếng đàn organ im lặng như sau kinh Vinh Danh của Thánh Lễ Tiệc Ly và chỉ vang dội lên trở lại trong kinh Vinh Danh của Thánh Lễ Canh Thức Vượt Qua. Từ sau kinh Vinh Danh Thứ Năm Tuần Thánh, đến kinh Vinh Danh Thứ Bảy Tuần Thánh, có thể sử dụng các nhạc cụ khác êm ái hơn để đệm hát mà thôi, không dùng để độc tấu. Có những nơi còn giữ triệt để hơn nữa, như hoàn toàn không sử dụng nhạc cụ trong khoảng thời gian đó. Các cử hành phụng vụ mẫu mực của Vatican cho thấy điều này. Nó tạo một hiệu ứng rất đặc biệt trong lòng người tham dự, khi chỉ còn đơn thuần tiếng hát và thiếu vắng sự nâng đỡ, vui tươi, huy hoàng của các nhạc cụ. Trong tình hình mục vụ ở Việt Nam, trong khoảng thời gian này, có thể noi theo thực hành này bằng cách tránh đệm bằng tiếng organ với âm sắc huy hoàng, mạnh mẽ, mà có thể sử dụng những âm sắc nhẹ nhàng hơn của tiếng sáo, hay tiếng các nhạc cụ khác để đệm, hoặc tốt nhất vẫn là kiêng luôn các nhạc cụ. Điều này gây ra cảm giác khác biệt cho tâm tình của các cử hành đặc biệt này. Nhưng đây cũng là một quy định tương đối chứ không ép buộc hoàn toàn, bởi lẽ những hoàn cảnh tế nhị khác nhau, có thể là lý do để các nhạc công có thể giữ tone đúng cho ca đoàn, cho vị cử hành, đỡ gây ra chia trí còn lớn hơn nếu thiếu sự hỗ trợ của các nhạc cụ. Tuy nhiên, các nhạc công nên rất lưu ý về bầu khí phụng vụ của những ngày rất đặc biệt này, để làm theo ý Giáo Hội muốn dạy chúng ta, không chỉ qua những quy định cụ thể bằng văn bản mà còn qua những thực hành đặc biệt thế này như những bài học sống động. Đàn y như nhau giữa các mùa lễ và ngày lễ, thậm chí còn ồn ào hơn nữa trong những ngày này, chứng tỏ nhạc công chưa hiểu lắm về phụng vụ. Cần phải để dành để trình tấu các nhạc cụ thật huy hoàng từ kinh Vinh Danh của lễ này đổ đi, và lan tràn trong tâm hồn người tham dự phụng vụ suốt mùa Phục Sinh như một niềm vui tưng bừng, được kéo dài, tương phản với không khí tiết độ và khổ chế trước đó của mùa Chay.
7. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA:
Các bài đọc Kinh Thánh: Cả thảy chín bài, bảy bài Cựu Ước, hai bài Tân Uớc. Chữ đỏ số 20 căn dặn: “Phải đọc ít nhất ba bài Cựu Uớc và trong trường hợp gấp rút thì đọc ít là hai bài. Nhưng không bao giờ được bỏ bài Xuất Hành chương 14”. Riêng bài ca của Mô sê được dùng làm thánh vịnh đáp ca của bài đọc Xuất Hành, không xướng câu: Đó là Lời Chúa, mà chính bài ca ấy là một phần tiếp theo sau của bài đọc luôn. Nên nhớ bài này vẫn còn thuộc về cựu ước, nên cách hát xướng đừng quá lất át niềm vui phục sinh sẽ bừng lên huy hoàng trong kinh vinh danh sau đó. nhiều ca đoàn làm cho bài này trở nên hoành tráng nhất, hơn cả các bài ca quan trọng khác trong đêm canh thức. vậy là sai.
Đa số chúng ta thực thi một điệp khúc, là bài đọc rồi đến các thánh vịnh đáp ca như Sách Bài Đọc cung cấp. Tuy nhiên, chữ đỏ cho phép bỏ việc hát đáp ca, vì ở số 23 đã nói: “thay vì hát đáp ca, có thể giữ thinh lặng thánh”. Tuy nhiên, việc cho phép là một chuyện, còn việc nên làm hay không lại là chuyện khác. Có những hoàn cảnh như những cộng đoàn ít người, già cả, hay thiếu các ca đoàn được huấn luyện đầy đủ thì có thể áp dụng quy tắc trên. Còn nếu có thể ca tụng Chúa cho xứng đáng là dân thánh Người, nhất là trong Đêm Canh Thức đỉnh cao của phụng vụ này, thì tại sao chúng ta lại từ chối, có phải không?
Trong phần kết luận của bài viết “Xem Lại Các Hành Động Đang Khi Hát Kinh Vinh Danh Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh” của cha Giu se Phạm Đình Ái, ngài tóm tắt rằng: “Bởi vậy, đang khi hát kinh Vinh danh, không tiến hành trải khăn bàn thờ, không gỡ bỏ các tấm che tượng, ảnh, thánh giá, Chúa phục sinh hay các thánh, mà phải trải khăn bàn thờ cũng như gỡ bỏ các tấm che ảnh tượng thánh trước giờ cử hành Canh thức Vượt qua. Vào thời điểm này, chúng ta chỉ: đốt nến và cho đổ chuông lớn và nhỏ. Còn hoa, tốt nhất hãy sắp xếp chúng trước giờ cử hành Canh Thức Vượt Qua và nên sử dụng số lượng hoa nhiều hơn mọi cử khành khác trong năm phụng vụ”. Tuy nhiên, lạm bàn một chút về việc rung chuông trong kinh Vinh Danh, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa thực hành rung chuông, kéo chuông của phụng vụ Vatican và ở các giáo xứ địa phương. Chẳng hạn, ở Tòa Thánh, khi một người xướng câu “Vinh danh…” không nhất thiết là một tư tế hay vị chủ tế, thì ngay lúc đó, đàn organ trổi vang lên độc tấu, cùng với tất cả dàn chuông của đại vương cung thánh đường dồn đổ, sau vài phút thì ngưng và bấy giờ cộng đoàn mới hát câu “Và bình an dưới thế”. Còn ở Việt Nam thì thường hát ngay sau đó và chuông được lắc đến hết kinh Vinh Danh. Không biết đây có nên là điều cần được thống nhất chăng, hay có thể chỉ là tiểu tiết tùy phụ có thể tự do. Việc rung chuông đánh trống cũng vậy, cũng vừa phải thôi, để ầm ĩ lấn át cả tiếng hát của cộng đoàn thì xem ra thật không nên! Còn ngoài ra, dĩ nhiên, ngay lúc hát kinh vinh danh, chuyện kéo hình chúa từ trong mồ đá lên cộng với pháo hoa tưng bừng khói lửa và đèn chớp xen kẽ giữa những tràng pháo tay, hay kiệu chúa phục sinh đi từ cuối nhà thờ lên hay từ trong phòng thánh đi ra, đều là những điều được thêm vào mà không thấy nói đến trong phụng vụ. những điều này có thể rất hữu ích trong lĩnh vực huấn giáo nhằm diễn tả mầu nhiệm niềm vui phục sinh ở những lúc khác, nhưng không phải trong phụng vụ, một lĩnh vực không phụ thuộc vào sáng kiến, sở thích hay những thay đổi bất thường của vị chủ tế mà phải theo luật chung, trừ khi hội đồng giám mục địa phương có phép tòa thánh để thích nghi điều gì đó.
- Trong bài viết “Tiếp Tục Đứng Sau Khi Hát Long Trọng Ba Lần Al lê lui a” cũng của cha Giuse Phạm Đình Ái, sau ba lần xướng, tiếp theo sẽ là thánh vịnh 117, lúc đó vị chủ tế và các người giúp lễ tiến ra bục giảng để đọc Tin Mừng, cộng đoàn tiếp tục đứng. Nhiều nơi vẫn tiếp tục ngồi, điều này không chính xác.
8. PHỤNG VỤ PHÉP RỬA:
Cần phân biệt các bản văn khác nhau của Kinh Cầu Các Thánh. Nghĩa là Kinh Cầu Các Thánh dùng cho Đêm Canh Thức Vượt Qua, và rửa tội cho dự tòng thì khác, Kinh Cầu Các Thánh dùng cho khấn dòng thì khác, Kinh Cầu Các Thánh dùng cho lễ truyền chức thánh cũng khác. Các phiên bản này khác nhau về số lượng các vị thánh và các lời khẩn nguyện tùy theo nhu cầu. Các ca đoàn cần lưu tâm điều này, để chọn phiên bản chính xác sử dụng, tránh tình trạng “lạc đề” khi cầu nguyện cho quý sơ sắp khấn, hay các thầy sắp lãnh chức thánh trong đêm canh thức mà lại bỏ quên những người dự tòng sắp chịu các bí tích khai tâm. chỉ hát kinh cầu khi có ban các bí tích cho dự tòng, nếu không thì bỏ kinh cầu và làm phép nước ngay như chữ đỏ số 40 dạy.
Giáo Hội dự trù hai tình huống: không có, và có các dự tòng chịu các bí tích khai tâm trong phần làm phép nước. Cần theo dõi kĩ để khỏi nhập nhằng.
Trước khi cho cộng đoàn lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, các người giúp lễ mồi nến từ lửa của nến Phục Sinh, điều tương tự như việc cây nến nhỏ của mỗi người được thắp sáng bởi lửa của nến Phục Sinh lúc cuộc rước đầu lễ. Đừng sốt ruột mà lấy lửa từ hộp quẹt, hộp diêm hay khò lửa, vì mất đi ý nghĩa quý giá của lửa: ánh sáng ta lãnh nhận từ nơi chúa, nến phục sinh là biểu tượng, ánh sáng của hiệp thông, cùng mồi cho nhau, ánh sáng của ngọn đèn đức tin cần giữ lấy, mỗi người đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội.
Vì đã tuyên xưng đức tin theo hình thức hỏi thưa trước đó, nên không đọc kinh Tin Kính nữa. Tuy nhiên vẫn đọc lời nguyện chung, và nên để cho tân tòng tham gia. Nếu không rửa tội cho dự tòng đó, cũng có thể mời các tân tòng mới được rửa tội gần đó tham gia phần lời nguyện chung này. Điều tương tự cho các tân tòng cũng được Giáo Hội ưu tiên, đó là việc dâng của lễ trong đêm Canh Thức Vượt Qua, bởi vì họ là hoa quả đầu mùa, những trẻ sơ sinh được sinh ra trong đời sống đức tin.
KẾT: Viết lại những điểm này, một lần nữa, kẻ viết bài không viết với mục đích vạch lá tìm sâu, chỉ trích hay công kích ai, nhưng viết cho chính mình trước tiên, và cho những ai thấy cần thiết. Chính các vị cử hành phụng vụ hẳn cũng đã có những lần quên sót khó tránh khỏi trong khi cử hành hàng loạt các nghi thức Tuần Thánh này. Nhưng cũng vì phụng vụ thánh thiêng của Giáo Hội thật quý giá, nên dù sao phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh: chẳng thà nêu ra những thực hành thiếu chính xác hay mắc phải trong phụng vụ Tuần Thánh, còn hơn cứ để cho những cử hành này, đáng lẽ sẽ đem lại hoa trái thiêng liêng cho các tín hữu, lại bị giới hạn, giảm thiểu hay mất hẳn ý nghĩa vì những sai sót có thể tránh được, nếu chúng ta chú tâm đọc kĩ và thi hành trong tâm tình sốt sắng. Uớc gì những gì Giáo Hội dạy chúng ta cử hành, và sống trong Tuần Thánh, giúp chúng ta hiệp thông sâu xa hơn với Đức Ki tô Tử Nạn và Phục Sinh.
Con Chiên Nhỏ
Mùa Chay 2025
Hotline: 0985380040
© 2025. All rights reserved.
Email: Convitquay3110@gmail.com